Kỹ năng từ chối tưởng chừng như chỉ việc nói “không” với cái mình không thích nhưng đôi khi trong công việc lại là một vấn đề lớn cần có sự khôn khéo. Từ chối là một nghệ thuật làm sao để vẫn tôn trọng đối phương, vẫn hoàn thành công việc, giữ mối quan hệ. Cái nào nên từ chối cái nào nên trải nghiệm, có những cái mình có thể làm nhưng vẫn nên từ chối… Hãy cùng khám phá về kỹ năng này nhé!
1. Kỹ năng Từ chối là gì?
Kỹ năng từ chối (Rejection skills) là kỹ năng nói không trong những trường hợp cá nhân không thể giúp đỡ hay tiếp nhận công việc. Sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ nhằm thể hiện việc không chấp nhận những điều được yêu cầu nhưng không làm mất lòng người khác và đúng chuẩn mực.
Bạn có thể bắt gặp rất nhiều người, rất nhiều trường hợp luôn răm rắp nghe và làm theo người khác dù bản thân không muốn. Dù biết cần phải từ chối sự cầu cứu vẫn không nỡ nói “không”. Vì sợ mất lòng nhau, sợ phá hỏng hình tượng bản thân hay thậm chí sợ bị phê bình nhất là đối với cấp trên.
Trong cuộc sống, vốn dĩ không phải lúc nào chúng ta cùng đồng ý hoàn toàn với lời đề nghị. Nhất là khi việc của bản thân chưa xong nhưng phải đi giải quyết cho người khác vì nể nang. Hay cụ thể hơn là những lời rủ rê vô cùng hấp dẫn như đi chơi, đi nhậu từ đồng nghiệp…
Vì thế mà kỹ năng từ chối là điều quan trọng bạn cần phải học để từ chối làm sao vẫn thể hiện được sự rạch ròi, không mất lòng đối phương. Cần lựa chọn thời điểm từ chối, đánh giá sự việc, thái độ từ chối… Đều là một nghệ thuật cần rèn luyện.
2. Tầm quan trọng của Kỹ năng Từ chối là gì?
Khi bạn biết được những lợi ích vô cùng to lớn từ việc biết từ chối đúng lúc, đúng thời điểm. Bạn sẽ nhận ra, tầm quan trọng của kỹ năng từ chối giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc sống cũng như công việc:
Có nhiều thời gian tập trung vào các công việc chuyên môn, sở thích cá nhân, thư giãn, nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống cũng như dành nhiều công sức hơn cho giá trị bản thân.
Giảm bớt tình trạng căng thẳng, đa phần việc chấp nhận mọi công việc ập lên đầu đều ít nhiều khiến bạn cảm thấy áp lực. Thậm chí là hậm hực vì phải làm quá nhiều nhưng vẫn không thể từ chối.
Có nhiều thời gian cho rèn luyện kỹ năng cho bản thân, phát triển và theo đuổi những dự án riêng. Có thời gian cho gia đình và những người thân yêu hơn.
Khẳng định được giá trị bản thân hơn. Nếu bạn biết cách từ chối, giá trị của bạn sẽ được nâng cao hơn, được tôn trọng hơn thay vì bị nghĩ rằng là đứa dễ sai vặt, dễ bắt nạt, thích lo chuyện bao đồng…
Từ chối sự nhờ vả từ người khác cũng là giúp đỡ người khác rèn luyện thêm kỹ năng cho bản thân. Nhất là với những người lười nhác, ỷ quyền ép thế cũng là cách giúp cho người khác nhận ra trong cuộc sống này, phải làm việc mới có thể tồn tại.
Học được kỹ năng từ chối, cũng là học được cách đánh giá sự vật, sự việc một cách rõ ràng hơn, công tâm phân minh hơn. Biết nhìn nhận vấn đề khách quan hơn việc cứ bù đầu vào làm việc.
Loại bỏ được những vướng bận không cần thiết bằng cách nói “không” giúp con đường tiến đến mục tiêu thành công của bạn nhanh hơn và vững chắc hơn.
3. Cách rèn luyện kỹ năng từ chối
Đánh giá khả năng bản thân
Để quyết định có từ chối hay nhận lời giúp đỡ. Kỹ năng từ chối đầu tiên bạn phải học là phải hiểu chuyên môn của mình là gì? Có thực sự giúp được không? Khả năng của mình có thể làm được không? Tiếp theo là công việc của bản thân đã hoàn thành chưa? Giúp đỡ có tốn quá nhiều thời gian hay ảnh hưởng đến lịch trình bản thân không?
Thái độ từ chối
Thái độ nói “không” cũng là một trong những kỹ năng từ chối quan trọng giúp bạn giữ được mối quan hệ với đối phương cũng như tôn trọng chính bản thân mình. Cần khôn khéo và mềm mỏng trong thái độ từ chối bằng cách đặt bản thân vào đối phương, liệu mình từ chối thế này có quá đáng không? Nghe có ổn không?
Đừng tỏ thái độ khó chịu mà hãy mỉm cười tự nhiên và xin lỗi. Rất nhiều người cảm thấy nóng nảy và bực mình với sự nhờ vả quá đáng, tuy nhiên nếu không biết giao tiếp đúng mực, nó vừa làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân cũng như các mối quan hệ. Hãy kiểm soát sự nóng giận trong thái độ của mình khi từ chối.
Giải thích cho sự từ chối
Có rất nhiều cách từ chối sự cầu cứu từ đối phương nhất là trong công việc bạn có thể áp dụng như:
Tôi cần xem lại lịch trình một chút: đây là thời gian giúp bạn sắp xếp lại kế hoạch của mình, xem lại kỹ năng có thể đáp ứng không? Và đây cũng là thời gian mà đối phương cũng phải tự xoay sở hoặc nhờ vả từ người khác.
Tôi đang khá bận rộn và có vài rắc rối trong công việc của mình: hãy thể hiện sự bận rộn và những khó khăn bản thân đang gặp phải lớn hơn yêu cầu được giúp đỡ từ đối phương. Lúc này bạn sẽ dễ được thông cảm hơn.
Xin lỗi nhưng tôi sẽ giúp bạn sau, tôi đang bận một chút: nếu khả năng bạn có thể giúp và nó cần thiết với đối phương thì hãy hẹn lại khi bạn rảnh, đừng ôm đồm hết mọi việc vào mình và tự tạo áp lực cho bản thân.
Đừng cảm thấy có lỗi
Hầu hết các lý do không dám nói “không” đều vì nể nang và sợ mất lòng. Chính vì thế, một khi đã muốn rèn luyện kỹ năng từ chối thì nó bao gồm việc bạn không nên thấy có lỗi. Bạn nên nhớ rằng bạn có quyền từ chối chỉ là bằng cách nào đó mềm mỏng hơn, dễ thông cảm hơn.
Nếu đối phương khó khăn với bạn, nói xấu hay chỉ trích bạn thì cũng đừng xuyên tạc bản thân. Bạn có công việc và những mối quan tâm riêng dẫu biết giúp đỡ được người khác là điều tốt. Nhưng một khi đã đánh giá được sự cầu cứu đó bạn không có khả năng giúp thì hãy cho qua và đừng nghĩ nhiều tới nó.
Đọc thêm tư liệu
Cách hay nhất và dễ làm nhất để rèn luyện kỹ năng từ chối đó chính là đọc thêm sách báo. Có rất nhiều tư liệu nói về kỹ năng từ chối, những chia sẻ thông qua kinh nghiệm bản thân, những câu chuyện trích dẫn về lợi ích và cách từ chối từ những doanh nhân, người nổi tiếng chẳng hạn.
Hãy trau dồi thêm càng nhiều kỹ năng đều có lợi cho bạn. Khi có nhiều thông tin và kỹ năng đủ tổng hợp cho xử lý các tình huống thì cách bạn từ chối cũng thể hiện trình độ khác đẳng cấp hơn, dễ thấu hiểu và cảm thông hơn.